“Điều tự hào nhất với tôi cho tới lúc này là được ba tôi công nhận. Ba đã khẳng định với mọi người, tôi sẽ là người đủ năng lực nối tiếp ba trong lĩnh vực nghiên cứu và truyền bá âm nhạc dân tộc”. Đó là chia    sẻ của TS. Trần Quang Hải – người con cả của GS. Trần Văn Khê.

images1023744_22_5__cha_con_hoa_dan

GS Trần Văn Khê và con trai trưởng GS Trần Quang Hải hòa tấu tùy hứng đàn kìm và muỗng

Hai    sáu năm không được ba nhắc tới

Có lẽ, với một người đã ở tuổi bảy mươi tuổi như TS. Trần Quang Hải, câu nói ấy thật đáng suy ngẫm. Ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp trong nghiên cứu âm nhạc năm 2002. Người ta gọi ông là “vua muỗng” vì nghệ thuật gõ muỗng (thìa) có một không hai. Ông là nghệ sỹ đàn môi bậc thầy của thế giới, từng tham gia biểu diễn trong không ít sự kiện âm nhạc quốc tế. Ông cũng là thầy của khoảng 8000 học trò trên bảy mươi quốc gia….

Nhưng tất cả những thành tựu đó, với ông, không thể sánh với sự công nhận từ ba ông, GS. Trần Văn Khê.

Khi nói điều ấy, TS. Trần Quang Hải cũng cho biết, ba ông, GS. Trần Văn Khê chỉ thực sự tin tưởng năng lực của ông bắt đầu từ khoảng năm, sáu năm trở lại đây. Trước đó, trong suốt hai sáu năm kể từ ngày về nước (từ 1976-2002), GS. Trần Văn Khê chưabao    giờ nhắc tới tên người con trai cả của ông trước công chúng hay báo giới.

Hướng nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh của TS. Trần Quang Hải bắt nguồn từ niềm đam mê với lối hát của người Mông Cổ. Đó là hướng nghiên cứu GS. Trần Văn Khê không muốn con trai ông dồn tâm sức. Dành cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và quảng bá âm nhạc dân tộc, GS. không tán đồng chuyện con trai cứ lo tìm tòi, nghiên cứu âm nhạc ngoại quốc. Thái độ “tảng lờ” của ông cụ với TS. Trần Quang Hải cũng là vì thế.

Cũng chính GS. Trần Văn Khê đã hết lời ngăn cản con trai đem chính bản thân ra làm thí nghiệm với các tia X. Trong 45 năm nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh, TS. Trần Quang Hải đã tự “biến mình thành một con vật để tự thí nghiệm” theo    lời ông.

Mỗi ngày, ông chấp nhận rọi tia X khoảng 10 phút chỉ vào một điểm nhất định của cơ thể, điều đó tương đương với khoảng 6000 lần chụp X-quang (như thông thường ta vẫn chụp phổi) để nghiên cứu cơ chế phát âm, cơ chế hoạt động tinh vi bên trong của não bộ.

Ai cũng biết, những tia X mang theo chất phóng xạ khi vào cơ thể người, gây tổn thương hoặc biến đổi tế bào, gây nguy cơ ung thư rất cao. Tuy nhiên, vì niềm đam mê quá đỗi say sưa, TS. Trần Quang Hải đã bỏ ngoài tai    lời can ngăn của ba.

Đam mê và quyết tâm đi đến tận cùng

Từ năm 1969, TS. Trần Quang Hải gặp một nhà nghiên cứu nước ngoài và được bà cho nghe đoạn băng ghi âm một người đàn ông Mông Cổ có cách hát rất lạ. Chỉ một mình nhưng với cách hát độc đáo, người nghe tưởng có hai giọng hát cùng thể hiện. Nhà nghiên cứu đó đã khẳng định với TS. Trần Quang Hải, chính bà là người thu âm trực tiếp và cũng hết sức ngạc nhiên.

Trong suốt hơn hai năm, TS. Trần Quang Hải đã nghe đi nghe lại tới vài ngàn lần đoạn băng dài cỡ một phút rưỡi ghi âm tiếng hát đồng song thanh của người Mông Cổ. Ông nghe và phân tích, hát theo để cố hiểu được kỹ thuật đặc biệt của cách hát.

Thế rồi một lần, trong lúc chờ đèn đỏ, ông bật băng âm thanh đó và hát theo. Rất bất ngờ, ông nhận ra mình đã có thể làm được như người hát trong băng ghi âm. Ngỡ ngàng, sung sướng, về tới nhà, ông vội vàng thu âm lại cách hát đó bằng giọng mình rồi hôm sau mang tới nhờ một vị giáo sư thẩm định.

Vị giáo sư thoạt đầu không tin, yêu cầu TS. Trần Quang Hải làm lại. Sau vài lần bất thành vì quá hồi hộp, rốt cuộc, ông đã chứng minh được khám phá mới về kỹ thuật hát đồng song thanh.

Kỹ thuật đã biết, vấn đề còn lại là tiếp tục rèn luyện cho thành thục và sau đó, mô tả cách thức luyện tập để truyền đạt cho người khác. Những bước liệt kê ra thì đơn giản thế nhưng để làm được, đã “ngốn” mất của TS. Trần Quang Hải gần nửa thế kỷ nghiên cứu, làm việc, thực hành và biểu diễn.

Mất hai năm liên tục để tìm ra kỹ thuật, ông lại tìm cách mô tả và rút ngắn dần thời gian cho người học. Từ một giờ đồng hồ, tới nửa tiếng, rồi mười lăm phút, mười phút, 5 phút, và hiện tại chỉ còn 1 phút để người học nắm được kỹ thuật hát. Dĩ nhiên, biết kỹ thuật chỉ cần vậy, nhưng quá trình rèn luyện để có hiệu quả sẽ phải mất hàng chục năm.

Cho tới nay, kỹ thuật hát đồng song thanh (thực chất là kỹ thuật làm chủ giọng nói) không chỉ giúp ích trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, biểu diễn, nghệ thuật lồng tiếng, mà còn có tác dụng trị liệu các chứng bệnh như ung thư thanh quản, vỡ tiếng, khàn tiếng, v.v…

Cũng theo TS. Trần Quang Hải, tới nay, sau 26 năm kể từ khi công bố kết quả nghiên cứu (1988) tất cả các công trình nghiên cứu về kỹ thuật hát đồng song thanh trên thế giới đều trích dẫn nghiên cứu của ông như một tài liệu lý thuyết kinh điển. Ông là người khởi xướng nghiên cứu có tính khoa học và sau đó trở thành chuyên gia duy nhất của thế giới về hát đồng song thanh. Ngay việc Chính phủ Pháp trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 2002 cũng vì đóng góp này.

Tới nay, TS. Trần Quang Hải là người duy nhất trong lĩnh vực âm nhạc được trao huân chương Bắc đầu bội tinh. Nếu xét về cấp độ, ông đã làm được việc gọi là “con hơn cha” vì GS. Trần Văn Khê cũng mới chỉ được tặng Huân chương về văn học và nghệ thuật của chính phủ Pháp, một cấp độ vinh danh thấp hơn so với Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Trong một chia sẻ riêng, TS. Trần Quang Hải cho rằng, ở Pháp cũng như ở các nước phát triển khác như Mỹ, Canada   , muốn tồn tại, muốn có việc làm, người ta phải chuyên nghiệp và độc đáo trong lĩnh vực mình theo đuổi. Việc đi sâu vào nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh của TS. Trần Quang Hải cũng chịu tác động phần lớn từ thực tiễn này. Cũng như thế là đam mê của ông với đàn môi và đánh muỗng (thìa).

Tâm đắc với đàn môi

TS. Trần Quang Hải đã cùng 1300 người ở Yakutia (vùng tự trị ở Xi-bê-ria) biểu diễn đàn môi tại một thời điểm năm 2011. Sự kiện này đã được đã được Guiness xác nhận kỷ lục.

Thật thú vị khi biết, khu tự trị Yakutia chỉ có chín trăm ngàn dân, nhưng có tới 700 ngàn người chơi đàn môi. Đàn môi được coi là một trong những nhạc cụ phổ biến nhất ở đây, từ em bé lên ba tới cụ già tám mươi tuổi đều chơi đàn môi. Họ có riêng một bảo tàng dành cho đàn môi, và TS. Trần Quang Hải vinh dự có hình ảnh và tiểu sử cá nhân tại bảo tàng đó

Dịp trở về nước gần đây dự hội thảo khoa học về hát ví, dặm tại Nghệ An, TS. Trần Quang Hải có dịp gặp mặt một “đệ tử chân truyền” về đàn môi mà chưa từng gặp mặt ở Đồng Nai. Đó là bạn Đặng Văn Khai Nguyên, mới 23 tuổi ở Đồng Nai.

Qua internet, những đam mê đồng điệu đã kết nối với nhau thật tuyệt vời. Ông gửi cho học trò tất cả những tài liệu có được về đàn môi. Được biết, tới nay, Nguyên đã sáng tạo ra vài loại đàn môi khác nhau bằng tre rất độc đáo. Không chỉ thế, cậu còn cải tiến, làm mới thêm các cây đàn môi của nước khác. Đàn môi do Nguyên làm giờ đã được cậu gửi tặng tới bạn bè chung ở thích ở nhiều quốc gia như Nhật, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Argentina,… TS. Trần Quang Hải tin, đó sẽ là người kế tục đáng tin cậy của ông trong việc phát triển nghệ thuật đàn môi ở Việt Nam.

Lần này về Việt Nam, TS. Trần Quang Hải cũng mua 150 chiếc đàn môi mang qua Pháp cho những người bạn yêu thích. Cứ tưởng ông chỉ “chơi” thôi, chẳng dè, đàn môi cũng đem lại cho ông những lợi ích kinh tế không nhỏ. Tham gia biểu diễn độc tấu đàn môi cho cả ngàn người thưởng thức, lồng tiếng cho các bộ phim cao bồi của Mỹ, TS. Trần Quang Hải được nhận những khoản thù lao hàng ngàn euro.

Cũng vì lẽ ấy, ông rất ngạc nhiên khi ở Việt Nam, đàn môi của đồng bào Tây Bắc cũng như ở Tây Nguyên gần như không được biết tới. Trong khi đó, Việt Nam là xứ có nhiều loại đàn môi nhất thế giới, có cả chục loại khác nhau. Trong những lần đi, về Việt Nam, ông luôn tìm cách phát triển loại hình nghệ thuật âm nhạc này.

Nhân tiện nói về đàn môi, ông khoe đã “xúi” thành công một người bán nhạc cụ ở phố Hàng Mành (Hà Nội). Nghe lời ông bán thêm đàn môi, người chủ cửa hàng đã ăn nên làm ra, bán được cả trăm ngàn cây đàn môi, mua được nhà, tậu được xe hơi cũng từ việc đó. Một chiếc đàn môi ở Việt Nam chỉ có giá 1 đô la, nhưng khi đưa sang nước ngoài, giá bán đã đội lên gấp mười. Chẳng trách giàu nhanh thế! Ông cười sảng khoái.

Trên thế giới có rất nhiều người giỏi chơi đàn môi, nhưng số người biết làm đàn môi không nhiều, cũng chưa ai viết ra quy cách làm đàn môi. Chính vì thế, TS. Trần Quang Hải đã đề nghị học trò làm công việc này. Đó sẽ là đóng góp rất lớn trong việc cung cấp thông tin về việc chế tạo đàn môi bằng tre mà thế giới đang rất cần.

Tự tin nối nghiệp cha

Theo TS. Trần Quang Hải, việc ba ông – GS. Trần Văn Khê quyết định về hẳn Việt Nam có mục đích lớn nhất là “lôi kéo” ông trở về nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

Suốt từ những năm được ba “lôi” vào các công trình nghiên cứu âm nhạc, TS. Trần Quang Hải phải nỗ lực tự học rất nhiều. Trước đó, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ thuật hát đồng song thanh và âm nhạc nước ngoài, nay trở về nghiên cứu âm nhạc dân tộc, thách thức không hề nhỏ, dù “vốn liếng” âm nhạc dân tộc của ông không hề ít.

TS. Trần Quang Hải đã chơi đàn tranh hơn 50 năm, đã làm 23 đĩa hát đàn tranh, cũng đã bán hơn một triệu đĩa đàn tranh toàn thế giới. Ông là một trong những người bán nhiều đĩa đàn tranh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với ông, đó vẫn là “những việc phụ thuộc”, theo lời ông.

Nhớ những năm đầu mới về Việt Nam dự các hội thảo nghiên cứu, vốn liếng tiếng Việt chưa đủ, nhất là tiếng Việt chuyên ngành âm nhạc, ông phải dùng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Dần dần, ông rèn luyện, tích lũy tiếng mẹ đẻ thông qua đọc sách, xem báo. Qua các lần tham gia chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO trao tặng danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử,… ông đã dần tự tin hơn với hoạt động nghiên cứu âm nhạc dân tộc trong nước.

Điều ông sung sướng nhất là trong một năm trở lại đây, ông đã có thể viết tham luận và trao đổi tại các hội thảo bằng tiếng Việt. Với một người đã ở nước ngoài hơn năm mươi năm như ông, xóa bỏ được khoảng cách ngôn ngữ với chính đồng bào của mình quả là dấu mốc không thể quên. Và từ đó, niềm tin vào bản thân và niềm sung sướng được ba tin tưởng trở thành động lực khiến ông muốn làm được nhiều việc hơn nữa cho văn hóa nước nhà.

Dịp gần đây nhất ông được mời tham gia Hội thảo khoa học của tỉnh Nghệ An để chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho hát ví, dặm Nghệ Tĩnh. Nếu trong tất cả các lần chuẩn bị hồ sơ âm nhạc trước, GS. Trần Văn Khê đều tham gia và góp tiếng nói quan trọng, thì lần này, TS. Trần Quang Hải đã có thể thay mặt ba đảm trách công việc tự tin và hiệu quả.

Với TS. Trần Quang Hải, sự công nhận của ba ông là điều quan trọng nhất, bởi ông đã làm được cho ba mãn nguyện, tiếp nối đời thứ năm trong gia đình họ Trần ở lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

Trong buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ gần đây tại nhà riêng, trước mặt bạn bè thân hữu và khách khứa, GS. Trần Văn Khê và con trai – GS. TS. Trần Quang Hải hòa đàn với nhau thật ngẫu hứng theo đúng phong cách của đờn ca tài tử.

Sau 36 năm, kể từ lần hòa đàn năm 1978, tới giờ, hai cha con – hai thế hệ nhạc sỹ dòng họ Trần – mới lại có dịp hòa chung một bản đàn như thế. Ở tuổi 94, GS. Trần Văn Khê chia sẻ nguyện vọng về việc con trai ông, sau những chuyến phiêu du trong âm nhạc của thế giới, sẽ trở về Việt Nam, nối nghiệp cha, góp sức vào sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc dân tộc.

***

Có một sự thật thú vị không phải ai cũng biết, hồi nhỏ TS. Trần Quang Hải mắc chứng cà lăm suốt nhiều năm. Ông từng phải ngậm bi trong miệng để chữa tật. Có lần, vô tình nuốt luôn hòn bi, ông suýt bị tắc họng, may có người giúp kịp, nhả ra được. Dĩ nhiên, sau sự cố ông không dám ngậm bi nữa. Sau đó ông phát hiện, những người mắc tật cà lăm, dù nặng cỡ nào, khi hát đều không bị lắp. Thế là trong giao tiếp đời sống, thay vì nói, ông chuyển thành hát. Thoạt đầu mọi người trêu chọc rất nhiều, nhưng bất chấp, ông kiên trì rèn luyện. Tới giờ, ngoài những tình huống hy hữu do quá bất ngờ, xúc động, chứng cà lăm có thể tái diễn, nhìn chung, ông đã triệt bỏ được tật phát âm khó chịu đó./.

Dương Kim Thoa

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:7SVfxDVdfZQJ:timtrongkhobau.vnweblogs.com/post/25927/454812+%22t%E1%BB%B1+h%C3%A0o+v%C3%AC+%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c+ba+tin+t%C6%B0%E1%BB%9Fng%22&cd=1&hl=fr&ct=clnk&gl=fr